Do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (Center for Development and Integration)
Tiêu chuẩn VietFarm hướng tới hàng hóa nông sản Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế và được sản xuất với các giá trị cam kết bền vững, những người sản xuất vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ có được sự tín nhiệm của các bạn hàng và người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
VietFarm là một hệ thống tiêu chuẩn độc lập về nông nghiệp và sản phẩm nông sản, áp dụng cho các hộ sản xuất nhỏ, các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm sản xuất, các liên minh, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, trang trại và các cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông sản. Sản phẩm có chứng nhận VietFarm sẽ được kiểm định và chứng nhận từ khâu trồng đến sản xuất, sơ chế, chế biến và đóng gói thành phẩm. Các sản phẩm đạt chứng nhận sẽ được dán nhãn VietFarm và đảm bảo chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước.
Bộ tiêu chuẩn VietFarm được xây dựng trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hành nông nghiệp tốt và yêu cầu kỹ thuật về nông sản của quốc tế và khu vực, kết hợp với các tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm nông sản và các quy định hiện hành về an toàn thực phẩm của Việt Nam.
Tiêu chuẩn VietFarm được xây dựng và quản trị bởi Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI – một tổ chức phi chính phủ) với vai trò tư vấn kỹ thuật của Công ty TNHH Thương mại & Sản xuất Công Bằng Xanh (GFT), Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam (VSQI), Tổ chức VECTRA INTERNATIONAL và các đối tác khác. Dự án được sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Ireland tại Việt Nam.
10 giá trị cốt lõi
Tổ chức thành viên tiêu chuẩn VietFarm cam kết với 10 giá trị cốt lõi cải thiện cuộc sống của người sản xuất quy mô nhỏ của Việt Nam và đồng thời đáp ứng được các yêu cầu và xu hướng của thị trường quốc tế.
1. Nâng cao năng lực tổ chức và sản xuất
Để có thể cải thiện giá trị nông sản thì đó là cả một quá trình lâu dài và đòi hỏi nhiều yêu cầu.
Nông nghiệp Việt Nam nói chung hiện nay còn tồn đọng nhiều yếu kém, thiếu khoa học trong khâu kế hoạch, sản xuất và trồng trọt. Các hộ sản xuất thường hoạt động tự phát, sản xuất theo kinh nghiệm cá nhân, thủ công và không có kể hoạch rõ ràng khi phải đối phó với những vấn đề bất ngờ như khí hậu khắc nghiệt, thiên tai hay dịch bệnh… Do đó, nhiệm vụ đầu tiên để có thể cải thiện được giá trị nông sản phát triển bền vững chính là nâng cao năng lực sản xuất, làm sao sản xuất phù hợp với năng lực, điều kiện địa phương, tổ sản xuất, xây dựng quy hoạch sản xuất theo vùng chứ không phải sản xuất ào ào, thiếu định hướng.
2. Thúc đẩy cơ hội kinh tế, tiếp cận thị trường
Cách hiệu quả nhất để có thể đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân Việt Nam chính là " Thúc đẩy cơ hội kinh tế, tiếp cận thị trường bình đẳng". Đó là một trong những giá trị cốt lõi khi hình thành Tiêu chuẩn VietFarm.
VietFarm mong muốn tạo nhiều điều kiện, cơ hội và hỗ trợ, đối khi không phân biệt với các hộ sản xuất nhỏ tham gia và hoạt động trong tổ chức, hiệp hội hoặc hợp tác xã trong chuỗi cung ứng nông sản VietFarm. Cơ chế này nhằm giúp tất cả các thành viên của VietFarm đều nắm được về thị trường, giá cả và khách hàng để từ đó các thành viên đều có cơ hội tham gia thỏa thuận về giá.
Với đối tượng mục tiêu hướng đến của VietFarm là các hộ sản xuất, cơ sở sản xuất nhỏ, VietFarm sẽ tạo mọi điều kiện để các thành viên của mình có thêm nhiều cơ hội kinh tế, tiếp cận thị trường một cách bình đẳng hơn so với các cơ sở sản xuất lớn và các nền nông nghiệp trong khu vực, quốc tế.
3. Không sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức và phân biệt đối xử trong sản xuất
Hiện nay, gần 1.2 triệu lao động trẻ em ở nông thôn Việt Nam đang ở độ tuổi đi học, đến trường. Việc sử dụng lao động trẻ em không chỉ vi phạm luật lao động, mà còn ảnh hưởng đến tuổi thơ và tương lai của con em chúng ta. Rất nhiều nguyên nhân như đói nghèo, thiếu nhận thức từ gia đình và từ chính các em, việc thanh tra kiểm tra còn lỏng lẻo đã khiến rất nhiều trẻ em phải lao động trước tuổi.. Vấn đề này cần chúng ta giải quyết, cần sự chung tay hợp sức của cả cộng đồng, từ người tiêu dùng cho đến các hộ sản xuất và bản thân chính các em.
Chính vì vậy, Không sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức và phân biệt đối xử trong sản xuất là một trong những tiêu chí đánh giá của VietFarm.
Sản xuất sạch hơn trong nông nghiệp chính là hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động trồng trọt, đặc biệt là khâu chế biến, đóng gói bao bì, bảo quản. Thêm vào đó, sản xuất sạch sẽ làm giảm các ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường trong suốt chu kỳ sản xuất sản phẩm từ khâu trồng trọt đến chế biến, khâu thải bỏ các chất thải, rác…
Đối với các dự án sản xuất sạch hơn sẽ làm tăng năng suất và hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm do sản xuất gây ra. Việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp vào sản xuất sẽ làm tăng lợi thế so sánh, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm của các doanh nghiệp trên thị trường.
Với những lợi ích đó, VietFarm sẽ tổ chức cho các hộ sản xuất tham gia các buổi tập huấn, đào tạo hướng dẫn về cấp các điều kiện làm việc, sinh hoạt và trang thiết bị tối thiểu, an toàn cho người lao động, cách xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình hoạt động cho người lao động. Ví dụ như, người pha, phun thuốc BVTV cần được hướng dẫn sử dụng và trang bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị cân, đo, phun thuốc, bảo hộ lao động theo hướng dẫn trên nhãn của sản phẩm thuốc BVTV như: găng tay, mặt nạ…
Hơn nữa, VietFarm giúp người nông dân nhận diện những mối nguy về an toàn lao động và các biện pháp thích hợp để loại trừ và ngăn ngừa xảy ra những vấn đề về mất an toàn lao động.
5. Sản xuất sạch và an toàn trong lao động
Nông nghiệp muốn phát triển lâu dài thì cần có những biện pháp giữ gìn và đảm bảo môi trường bền vững trong sản xuất. Điều này không chỉ tốt cho các hộ sản xuất vì phần lớn nơi họ canh tác chính là nơi sinh sống của người dân ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sức khỏe của người nông dân mà còn có tác động tích cực đến toàn bộ hệ thống môi trường của Việt Nam, phù hợp với các tiêu chuẩn xã hội.
VietFarm khuyến khích tạo môi trường đa dạng sinh học; khuyến khích sử dụng vật tư, nguyên liệu thân thiện môi trường trong sản xuất và trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm cũng như sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên trong hoạt động sản xuất.
Các thành viên trong chuỗi VietFarm sẽ được hỗ trợ thiết lập thiết lập quy trình hoạt động và sản xuất bảo vệ an toàn cho môi trường, không sử dụng hóa chất cấm, hóa chất diệt cỏ, không gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái xung quanh cơ sở.
Đặc biệt, VietFarm quy định rõ ràng các hộ sản xuất không sử dụng giống biến đổi gen, cần tuân thủ các quy định về môi trường của luật pháp; tuân thủ các yêu cầu quy định về môi trường trong hoạt động trồng trọt theo quy định của TCCS 1-2:2017/VietFarm.
6. Sản xuất sản phẩm an toàn và tự nhiên
Xu thế tiêu dùng trong nước và ngoài nước hiện nay dành cho các sản phẩm nông sản chính là sử dụng các sản phẩm an toàn và tự nhiên, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, " Sản xuất sản phẩm an toàn và tự nhiên" là một vấn đề vô cùng quan trọng được đánh giá cao trong Bộ Tiêu chuẩn VietFarm.
VietFarm khuyến khích áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, bảo tồn nguồn giống tốt bản địa trong trồng trọt, chế biến cũng như giữ gìn phương thức sản xuất truyền thống mang lại sản phẩm chất lượng cao. Trong cơ chế thành viên, VietFarm khuyến khích việc chia sẻ thông tin và thảo luận nhóm về việc nhận diện các mối nguy và đề xuất biện pháp thực hiện.
Đối với cá yêu cầu dành cho các hộ sản xuất, VietFarm sẽ giám sát và kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện sản xuất, chế biến, cung ứng, năng lực và nhận thức của người lao động để đảm bảo sản phẩm được sản xuất, chế biến, bảo quản và cung ứng đáp ứng các yêu cầu an toàn và chất lượng cao. Các cơ sở trong chuỗi VietFarm phải thực hiện và duy trì hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn theo HACCP nhằm nhận diện các mối nguy về vệ sinh, an toàn cho sản phẩm trong các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông và phải có các kế hoạch hành động và thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa các mối nguy về vệ sinh, an toàn.
Các sản phẩm được dán nhãn VietFarm khi cung cấp ra thị trường, đáp ứng các tiêu chí về an toàn và chất lượng lượng theo quy định trong các tiêu chuẩn tương ứng thuộc TCCS 2:2017/VietFarm đối với sản phẩm đó sẽ giúp người tiêu dùng tin tưởng và ưu ái hơn đối với các sản phẩm cùng loại.
7. Truy xuất nguồn gốc trong sản xuất và kinh doanh
Một trong ba trụ cột của Tiêu chuẩn VietFarm chính là " Thúc đẩy minh bạch, trách nhiệm và thương mại công bằng".
Việc truy xuất nguồn gốc trong kinh doanh và sản xuất là những tiêu chí lựa chọn đầu tiên của người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẵn sàng đưa giá cao hơn để có thể sử dụng các sản phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Sản phẩm sản xuất và cung cấp đáp ứng yêu cầu của bộ tiêu chuẩn VietFarm phải phân biệt với sản phẩm cùng loại khác không áp dụng VietFarm trong quá trình sản xuất.
VietFarm sẽ thiệp lập và thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm tới lô sản xuất, đảm bảo xác định được thời gian sản xuất, nguyên liệu, vật tư sử dụng. Các nguyên liệu từ khâu trồng trọt được chuyển sang các khâu tiếp theo như chế biến, phân phối, …. sẽ có dấu hiệu để nhận biết thông qua số phân định cơ sở sản xuất.
VietFarm sẽ phê duyệt ma két nhãn sản phẩm và đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông ghi ghi nhãn.
8. Kinh doanh có trách nhiệm
Vì sự phát triển bền vững cho cộng đồng và xã hội, VietFarm thúc đẩy các cơ sở sản xuất trong chuỗi cung ứng cần tuân thủ và hướng dẫn người lao động của mình tuân thủ các yêu cầu của bộ Tiêu chuẩn VietFarm.
Việc cung cấp thông tin về sản phẩm ra thị trường, quảng cáo, dán nhãn cần tính trung thực, tạo uy tín lâu dài cho các bên liên quan.
Đặc biệt, bằng việc cam kết không gian lận, không tham nhũng, hối lộ sẽ giúp việc kinh doanh có trách nhiệm được trở nên công bằng đối với tất cả các cơ sở sản xuất trên thị trường nông sản Việt Nam.
Giá trị cốt lõi này nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh chung có trách nhiệm và thúc đẩy phát triển, tăng trưởng bền vững.
9. Thực hành thương mại công bằng
Thương mại công bằng là một yếu tố vô cùng quan trọng tác động trực tiếp đến lợi ích của cả người sản xuất và người tiêu dùng. Giá của các sản phẩm VietFarm sẽ được bán đúng với giá trị của sản phẩm, xứng đáng cho công việc đã hoàn thành và không phân biệt đối xử giá.
Tiêu chuẩn VietFarm sẽ nghiên cứu và hình thành các quy định thống nhất về giá nhằm mục đích các hộ sản xuất có thể tuân thủ giá công bằng được thiết lập dựa trên sự tham gia, đóng góp ý kiến của các bên. Mức giá công bằng không chỉ bao gồm giá của quá trình sản xuất mà còn mang ý nghĩa xã hội và mang tính môi trường.
VietFarm sẽ đảm bảo mức giá tối thiểu cho người sản xuất được quy định cho từng loại hàng hóa trong từng thời điểm. Mức giá tối thiểu phải đảm bảo bù đắp các chi phí sản xuất, tái đầu tư, phát triển năng lực cho các hộ sản xuất nhỏ.
Mục tiêu đó sẽ giúp các hộ sản xuất có thêm động lực với những công sức bỏ ra cho sản phẩm bán được giá, phù hợp và xứng đáng so với các sản phẩm khác đang cạnh tranh trên thị trường.
10. Minh bạch trong chuỗi cung ứng
Chuỗi cung ứng là một điều kiện đủ để nhằm phát triển được hoàn thiện các quy trình trong lĩnh vực nông sản Việt Nam. Chính vì vậy, minh bạch trong chuỗi cung ứng là yêu cầu đến từ cả phía các hộ sản xuất cũng như các đơn vị phân phối.
Tất cả các thông tin liên quan đến quá trình sản xuất, cung cấp sản phẩm đều phải sẵn có. Các tài liệu này có thể dưới các dạng khác nhau như: văn bản, bản mềm, trang tin điện tử, …để cung cấp cho các bên liên quan khi cần thiết. Đặc biệt, các đơn vị phân phối hay thương mại phải minh bạch thông tin sản phẩm, giá cả; đăng ký số lượng tiêu thụ định kỳ.
Đối với các khiếu nại liên quan đến sản phẩm hay quyền lợi của người nông dân, VietFarm sẽ hình thành cơ chế giải quyết phù hợp để giảm thiểu tối đa những vướng mắc làm chậm quá trình cung ứng nông sản.